Chinh phục đoạn văn đọc hiểu về Văn học trong bài thi SSAT
Như đã giới thiệu ở bài “Các loại đoạn văn đọc hiểu trong bài thi SSAT”, có rất nhiều chủ đề đọc hiểu trong bài thi SSAT. Trong đó, chủ đề đọc hiểu về văn học thường bao gồm những câu về một truyện ngắn, trích đoạn, hoặc thơ ca đến từ các nền văn hóa khác nhau.
Mục đích của phần thi này nhằm yêu cầu thí sinh chứng minh khả năng đọc hiểu của mình thông qua những câu hỏi trắc nghiệm về nghĩa đen, nghĩa bóng của từng từ, khả năng suy đoán từ, xác định ý chính và mục đích của đoạn văn. Từ đó thí sinh sẽ phải sử dụng các kĩ năng phân tích cần thiết để thực hiện phần thi này.
Những đoạn văn trong SSAT có xu hướng tương đối ngắn. Tuy nhiên, chúng thường có cấu trúc câu phức tạp. Các đoạn văn thường mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thí sinh thường hay gặp phải các chủ đề mà họ có thể không quen thuộc. Các câu hỏi cũng khá phức tạp. Phần Đọc hiểu văn học SSAT này còn đòi hỏi phải nắm vững từ vựng, khả năng nhận ra mục đích, ý tưởng chính của văn bản và làm quen với nhiều loại văn bản khác nhau.
Hầu hết các thí sinh lại thường không được tiếp xúc với các loại văn bản này ở trường, đặc biệt là thơ, một thể loại hay xuất hiện ít nhất một lần trong hầu hết các bài kiểm tra SSAT. Điều đó khiến thí sinh nao núng và không chắc chắn cách làm cho loại đoạn văn này.
Vậy thí sinh cần chuẩn bị gì cho phần thi đọc hiểu văn học SSAT?
- Với truyện ngắn hoặc trích đoạn: thí sinh cần biết xem xét bối cảnh, từng nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, họ có thích hay ghét nhau không? Họ có cùng mối quan tâm về điều gì?
- Với thơ: thí sinh cần hết sức chú ý các loại biện pháp tu từ được sử dụng như so sánh, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ...
- Xây dựng cho bản thân một hệ thống từ vựng và kĩ năng đoán nội dung dựa vào các từ ngữ trong bối cảnh.
- Ôn luyện nhiều dạng bài đa dạng khác nhau, đặc biệt là thơ.
- Xây dựng kỹ năng đọc hiểu và phân tích. Thí sinh cần thực hành trả lời các câu hỏi “kiểu SSAT” và học các kỹ năng làm bài như cách xác định mục đích của tác giả, cách tóm tắt văn bản, xác định ý chính của đoạn văn hoặc trích đoạn, chiến lược chú thích, kĩ năng suy luận và dự đoán.
- Xác định chiến lược làm bài: làm trước đoạn văn bản thân cảm thấy dễ trước và để lại đoạn văn cảm thấy khó nhất vào cuối cùng. Không nên mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi, chỉ nên đưa ra 2 lần lựa chọn, nếu vẫn không thể xác định câu trả lời, tốt nhất thí sinh nên đi tiếp.
Với việc xác định và xây dựng một kế hoạch ôn luyện vững chắc bằng cách học từ vựng, đọc các văn bản khác nhau và thực hành các kỹ năng đọc và làm bài, chúng tôi tin chắc bạn sẽ vượt qua được phần thi này. Chúc các bạn có một mùa thi thành công!